Đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, việc quản lý hàng tồn kho là vô cùng quan trọng. Một trong những khoản mục được quan tâm đó chính là dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho như thế nào, hạch toán ra sao? Hãy cùng Ketoan.vn tìm hiểu nhé!
Khái niệm dự phòng giảm giá hàng tồn kho
Dự phòng giảm giá hàng tồn kho được hiểu là dự phòng phần giá trị bị tổn thất do giá vật tư, thành phẩm, hàng hóa tồn kho bị giảm. Ý nghái của việc trích lập dự phòng đó là giúp cho doanh nghiệp có nguồn tài chính để bù đắp tổn thấy xảy ra, giúp bảo toàn vốn kinh doanh, đảm bảo việc phản ánh đúng giá trị vật tư hàng hóa tồn kho.
Điều 4 Thông tư 288/2009/TT-BTC và thông tư 89/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về mức trích lập và sử dụng khoản dự phòng. Doanh nghiệp có thể căn cứ vào biến động thực tế về giá hàng tồn kho để đưa ra mức trích lập và sử dụng dự phòng đúng mục đích theo tinh thần Thông tư.
Đối tượng trích lập dự phòng
Các đối tượng được trích lập dự phòng bao gồm:
– Nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ dùng cho sản xuất, vật tư, hàng hóa, thành phẩm tồn kho (bao gồm cả hàng tồn kho bị hư hỏng, kém phẩm chất, lạc hậu, lỗi mốt, lạc hậu kỹ thuật, ứ đọng, chậm luân chuyển…)
– Sản phẩm dở dang, chi phí dịch vụ dở dang mà giá gốc ghi trên sổ kế toán cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được. Tuy nhiên phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định hoặc các bằng chứng khác chứng minh được giá vốn của hàng tồn kho.
- Là những vật tư hàng hóa thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp tồn kho tại thời điểm lập BCTC.
Trường hợp nguyên vật liệu có giá trị thuần có thể thực hiện được nhỏ hơn so với giá gốc, tuy nhiên giá bán sản phẩm dịch vụ được sản xuất từ nguyên vật liệu này không bị giảm giá thì sẽ không được trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Phương pháp lập dự phòng
Mức trích lập dự phòng tính theo công thức sau:
Mức dự phòng giảm giá vật tư hàng hóa = Lượng vật tư hàng hóa thực tế tồn kho tại thời điểm lập BCTC x Giá gốc HTK theo sổ kế toán – Giá trị thuần có thể thực hiện được của HTK
Giá gốccủa HTK bao gồm:
- Chi phí mua
- Chi phí chế biến
- Các chi phí liên quan trực tiếp khác phát sinh để có được hàng tồn kho ở địa điểm và trạng thái hiện tại
Giá trị thuần có thể thực hiện được của HTK là giá bán (ước tính) trừ (-) chi phí để hoàn thành sản phẩm và chi phí tiêu thụ (ước tính).
Mức trích lập dự phòng giảm giá HTK sẽ được tính cho từng loại hàng tồn kho bị giảm giá và tổng hợp toàn bộ vào bảng kê chi tiết. Đây là căn cứ để hạch toán vào giá vốn hàng bán trong kỳ của doanh nghiệp.
Hạch toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho
a. Khi lập BCTC, nếu số dự phòng giảm giá hàng tồn kho kỳ này lớn hơn số dự phòng đã trích lập ở kỳ trước, kế toán tiến hành trích lập bổ sung phần chênh lệch. Bút toán như sau:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 2294 – Dự phòng giảm giá hàng tồn kho
b, Khi lập BCTC, nếu số dự phòng giảm giá hàng tồn kho kỳ này nhỏ hơn số dự phòng đã trích lập ở kỳ trước, kế toán tiến hành hoàn nhập dự phòng phần chênh lệch. Bút toán ghi:
Nợ TK 2294 – Dự phòng giảm giá hàng tồn kho
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán
c, Kế toán xử lý khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với nguyên liệu vật tư bị hủy bỏ do quá hạn sử dụng, mất phẩm chất, hư hỏng, không còn giá trị sử dụng, hạch toán:
Nợ TK 2294 – Dự phòng giảm giá hàng tồn kho
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 152,153,155, 156
d, Đối với khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho của doanh nghiệp sở hữu 100% vốn nhà nước chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần, nếu khoản dự phòng sau khi bù đắp tổn thất được hạch toán tăng vốn nhà nước, kế toán ghi:
Nợ TK 2294 – Dự phòng giảm giá hàng tồn kho
Có TK 411 – Vốn chủ sở hữu
Hi vọng với những kiến thức mà Ketoan.vn cung cấp, bạn đã nắm được cách trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cho doanh nghiệp mình.