Site icon Kế Toán Ala

Tạm ngừng hoạt động kinh doanh mới nhất năm 2022

Tạm ngừng kinh doanh là gì?

Theo K1 điều 41 nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về tạm ngừng kinh doanh như sau:

– Điều 41. Tình trạng pháp lý của doanh nghiệp
Các tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bao gồm:

  1. “Tạm ngừng kinh doanh” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp. Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

Điều kiện tạm ngừng kinh doanh

+ Tại thời điểm doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp không bị đóng mã số thuế. Trên thực tế nhiều doanh nghiệp lập ra không kinh doanh tại trụ sở mình đã đăng ký hoặc không hoạt động kinh doanh thực tế do đó không kê khai thuế đầy đủ. Khi có những vi phạm như trên, Chi cục thuế quản lý sẽ đóng mã số thuế đối với những doanh nghiệp này. Vì vậy muốn làm thủ tục đăng ký tạm ngưng doanh nghiệp, trước tiên doanh nghiệp sẽ phải thực hiện thủ tục khôi phục mã số thuế bị đóng.

+ Doanh nghiệp phải thông báo về việc tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp tới cơ quan đăng ký kinh doanh  03 ngày trước khi doanh nghiệp tạm ngừng. Chẳng hạn ngày 15/9 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chậm nhất ngày 12/09 doanh nghiệp sẽ phải gửi thông báo về việc tạm ngừng đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở

Tạm ngừng kinh doanh cho công ty và đơn vị phụ thuộc

Trong Luật doanh nghiệp năm 2020, chỉ quy định chung về tạm ngừng hoạt động cho doanh nghiệp, không đề cập đến việc tạm ngừng hoạt động cho đơn vị phụ thuộc, vì vậy Khoản 1, Điều 66 nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định rõ hơn về vấn đề này như sau:

Điều 66. Đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
        1. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.

Theo quy định trên, khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh thì đồng thời sẽ tạm ngừng kinh doanh của các đơn vị phụ thuộc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh

Thời hạn tạm ngừng hoạt động

Trường hợp là doanh nghiệp: Theo quy định cũ thời hạn tạm ngừng kinh doanh tối đa là 2 năm. Tuy nhiên, nghị định 01/2021/NĐ-CP không còn quy định này. Vì vậy, mỗi lần tạm ngừng kinh doanh tối đa 1 năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể tạm ngừng kinh doanh nhiều lần liên tiếp (không giới hạn thời gian)

Khai, nộp thuế khi tạm ngừng kinh doanh

Khi doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện việc kê khai và nộp thuế như sau: Tạm ngừng kinh doanh có phải nộp thuế môn bài? Theo quy định tại nghị định 139/2016/NĐ-CP sửa đổi bởi nghị định 22/2020/NĐ-CP như sau:

Điều 4. Mức thu lệ phí môn bài


– Người nộp lệ phí đang hoạt động có văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch không phải nộp lệ phí môn bài năm tạm ngừng kinh doanh với điều kiện văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế trước thời hạn phải nộp lệ phí theo quy định (ngày 30 tháng 01 hàng năm) và chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trường hợp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh không đảm bảo điều kiện nêu trên thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm.

Ngoài ra theo quy định tại khoản 3 điều 4 thông tư 302/2016/TT-BTC (sửa đổi bởi thông tư 65/2020/TT-BTC)


Người nộp lệ phí môn bài đang hoạt động có văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh về việc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) không phải nộp lệ phí môn bài năm tạm ngừng kinh doanh với điều kiện: văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh trước thời hạn phải nộp lệ phí theo quy định (ngày 30 tháng 01 hàng năm) và chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trường hợp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh không đảm bảo điều kiện nêu trên thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm.

Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh

– Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh theo mẫu tại thông tư 01/2021/TT-BKHĐT
– Biên bản họp, quyết định tạm ngừng kinh doanh theo đúng thẩm quyền (chủ sở hữu công ty, hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, các thành viên hợp danh..)
– Uỷ quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp
– Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân của người nộp hồ sơ

Thủ tục tạm ngừng kinh doanh tại phòng đăng ký kinh doanh

Bước 1: Doanh nghiệp nộp bộ hồ sơ theo hướng dẫn trên tới Phòng đăng ký kinh doanh – Sở KHĐT nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận hồ sơ cho doanh nghiệp sau khi tiếp nhận thông báo tạm ngừng kinh doanh
      Bước 2:
– Trong thời hạn 02 ngày làm việc, Sở KHĐT gửi thông tin sang bên thuế để đối chiếu số thuế còn nợ hoặc không
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh

Thủ tục tạm ngừng kinh doanh với cơ quan thuế?

Theo quy định tại điều 4 nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 4. Quản lý thuế đối với người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh
Người nộp thuế thực hiện thông báo khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định tại Điều 37 Luật Quản lý thuế và các quy định sau:


1. Căn cứ xác định thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh:
    a) Đối với người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Quản lý thuế là thời gian tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã được cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã ghi nhận trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã. Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã gửi thông tin đăng ký tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử qua hệ thống trao đổi thông tin về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế trong thời hạn 01 ngày làm việc hoặc chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã ghi nhận trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã.

    b) Đối với người nộp thuế là tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Quản lý thuế thì thực hiện thông báo tạm ngừng hoạt động, kinh doanh đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 01 ngày làm việc trước khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh. Cơ quan thuế có thông báo xác nhận gửi người nộp thuế về thời gian người nộp thuế đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh chậm nhất trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của người nộp thuế. Người nộp thuế được tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không quá 1 năm đối với 1 lần đăng ký. Trường hợp người nộp thuế là tổ chức, tổng thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không quá 2 năm đối với 2 lần đăng ký liên tiếp.

Như vậy, nếu công ty hoạt động theo luật doanh nghiệp thì không cần xin xác nhận của thuế khi tạm ngừng kinh doanh. Các đối tượng khác không phải doanh nghiệp thực hiện thông báo tạm ngừng kinh doanh (Mẫu 23/ĐK-TCT theo thông tư 105/2020/TT-BTC) theo quy định tại khoản 2 điều 37 nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Các lưu ý khi tạm ngừng kinh doanh

+ Gửi thông báo tạm ngừng kinh doanh trước ít nhất 03 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh với doanh nghiệp, trước ít nhất 01 ngày với đơn vị khác

+ Đơn vị phụ thuộc phải tạm ngừng nếu đơn vị chính tạm ngừng.

+ Người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng kinh doanh không phát sinh nghĩa vụ thuế thì không phải nộp hồ sơ khai thuế của thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Trường hợp người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh không trọn năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ quyết toán thuế năm.

+ Lệ phí môn bài không phải nộp nếu tạm ngừng kinh doanh trước 30/01

+ Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.

Tuy nhiên trên thực tế, thì việc các doanh nghiệp nợ thuế thường sẽ không được phép tạm ngừng kinh doanh cho tới khi hoàn thành các nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế.

Exit mobile version