Site icon Kế Toán Ala

Những lưu ý khi làm hợp đồng gia công xuất khẩu hàng may mặc


Hợp đồng gia công xuất khẩu hàng may mặc được dùng trong trường hợp 2 bên đối tác muốn hợp tác với nhau về mảng gia công hàng may mặc. Ketoan.vn sẽ cùng các bạn đi tìm hiểu những vấn đề cần lưu ý liên quan đến hợp đồng gia công xuất khẩu hàng may mặc. File tải mẫu hợp đồng ở cuối bài viết bạn nhé.

1. Các hình thức gia công xuất khẩu hàng may mặc

1.1. Theo quyền sở hữu nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất sản phẩm

  • Hình thức nhận nguyên liệu giao thành phẩm: Bên đặt gia công giao nguyên liệu hoặc bán thành phẩm cho bên nhận gia công và sau thời gian sản xuất, chế tạo sẽ thu hồi thành phẩm và trả phí gia công. Trong trường hợp này, trong thời gian chế tạo, quyền sở hữu về nguyên liệu vẫn thuộc về bên đặt gia công.
  • Hình thức mua đứt bán đoạn: Dựa trên hợp đồng mua bán hàng dài hạn với nước ngoài. Bên đặt gia công bán đứt nguyên liệu cho bên nhận gia công và sau thời gian sản xuất, chế tạo, sẽ mua lại thành phẩm. Trong trường hợp này quyền sở hữu nguyên vật liệu chuyển từ bên đặt gia công sang bên nhận gia công.
  • Hình thức kết hợp: Bên đặt gia công chỉ giao nguyên vật liệu chính, còn bên nhận gia công cung cấp những nguyên vật liệu phụ.

1.2. Xét về mặt giá cả gia công

  • Hợp đồng thực chi thực thanh: Bên nhận gia công thanh toán với bên đặt gia công toàn bộ những chi phí thực tế của mình cộng với tiền thù lao gia công.
  • Hợp đồng khoán: Xác định định mức cho mỗi sản phẩm gồm: Chi phí định mức và thù lao định mức. Hai bên sẽ thanh toán với nhau theo giá định mức đó dù chi phí thực tế của bên nhận gia công là bao nhiêu chăng nữa.

1.3. Xét về mức độ cung cấp nguyên liệu, phụ liệu

  • Bên đặt gia công giao toàn bộ nguyên phụ liệu, bán thành phẩm. Trong mỗi lô hàng đều có bảng định mức nguyên phụ liệu chi tiết cho từng sản phẩm mà hai bên đã thỏa thuận và được các cấp quản lý xét duyệt. Người nhận gia công chỉ việc tổ chức sản xuất theo đúng mẫu của khách và giao lại sản phẩm cho khách đặt gia công hoặc giao lại cho người thứ ba theo sự chỉ định của khách.
  • Bên đặt gia công chỉ giao nguyên liệu chính theo định mức, còn nguyên liệu phụ thì bên nhận gia công tự khai thác theo đúng yêu cầu của khách.
  • Bên đặt gia công không giao bất cứ nguyên phụ liệu nào cho khách, bên nhận gia công tự lo nguyên phụ liệu để sản xuất hàng hóa theo yêu cầu.

2. Những điều khoản cần có trong hợp đồng gia công xuất khẩu hàng may mặc

2.1. Điều khoản về tên và số lượng thành phẩm

Tên và số lượng thành phẩm phải được ghi cụ thể, chính xác để tránh nhầm lẫn. Đảm bảo tính chính xác của hàng hoá. Nếu hợp đồng thuê gia công nhiều loại hàng thì phải ghi cụ thể tên và số lượng của từng loại.

2.2. Các điều khoản về phẩm chất quy cách

Là điều khoản rất quan trọng để xác định đối tượng của hợp đồng. Thường thì phẩm chất quy cách được quy định chi tiết tỉ mỉ trong hợp đồng gia công. Hoặc quy định tương tự như mẫu mã hai bên đã thoả thuận có xác định bằng văn bản của cơ quan kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm. Hai bên thoả thuận chọn cơ quan kiểm nghiệm của nước đặt gia công hay nước nhận gia công.

2.3. Điều khoản về nguyên vật liệu

Nguyên vật liệu là đối tượng của hợp đồng gia công thường toàn bộ nguyên vật liệu để sản xuất, chế biến sản phẩm gia công. Nhưng cũng có khi chỉ nguyên vật liệu chính. Điều khoản về nguyên vật liệu phải được quy định cụ thể về loại nguyên vật liệu, tên nguyên vật liệu, số lượng phẩm chất…và tỷ lệ tiêu hao nguyên vật liệu.

2.4. Điều khoản về giá cả

Đây là điều khoản cơ bản của tất cả các loại hợp đồng. Trong hợp đồng gia công cho nước ngoài. Việc quy định giá cả hết sức chi tiết, cụ thể đối với từng loại sản phẩm, từng công đoạn.

2.5. Điều khoản về phương thức thanh toán

Là điều khoản quan trọng được các bên quan tâm thoả thuận khi ký kết hợp đồng. Thông thường trong hợp đồng gia công cho nước ngoài áp dụng phương thức thanh toán bằng ngoại tệ mạnh và theo thủ tục L/C.

2.6. Điều khoản về thời hạn giao hàng và hình thức giao hàng

Điều khoản này quy định chính xác thời hạn giao nguyên vật liệu chính và phụ, thời hạn giao sản phẩm. Đây là điều khoản quan trọng đảm bảo cho hợp đồng được thực hiện đúng thời hạn. Không gây mất ổn định trong sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên.

2.7. Điều khoản về kiểm tra hàng hoá

Đây là điều khoản quan trọng quy định việc kiểm tra nguyên vật liệu, thành phẩm thuộc cơ quan nào. Trong trường hợp hai bên đã thoả thuận cơ quan kiểm tra thuộc phía Việt Nam mà vào thời điểm kiểm tra bên đặt gia công lại cử chuyên gia sang thì quyết định của chuyên gia được coi là quyết định cuối cùng với điều kiện quyết định đó phải được lập thành văn bản. Khi tiến hành kiểm tra. Các chuyên gia sẽ căn cứ vào những điều kiện về quy cách phẩm chất đã được quy định trong hợp đồng.

2.8. Điều khoản về phạt hợp đồng

Đây là điều khoản mang tính chế tài đảm bảo cho hợp đồng được thực hiện. Trong hợp đồng gia công cho nước ngoài. Điều khoản về phạt hợp đồng được quy định với việc vi phạm thời gian giao nhận hàng hóa. Về việc quy định mức phạt cho hai bên phải được ghi cụ thể, rõ ràng trong hợp đồng làm căn cứ cho việc thực hiện trong trường hợp một trong hai bên bị phạt hợp đồng.

2.9. Điều khoản về trọng tài

Đây là điều khoản rất quan trọng là cơ sở cho việc xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Trong điều khoản này, các bên thoả thuận và quy định một cơ quan giải quyết tranh chấp. Nếu trong điều khoản này không quy định cụ thể thì khi có tranh chấp, vụ việc được đưa ra trọng tài quốc tế.

2.10. Điều khoản về hiệu lực của hợp đồng

Quy định các điều kiện và thời hạn để hợp đồng bắt đầu có hiệu lực và hết hiệu lực. Thông thường, hợp đồng có hiệu lực ngay kể từ khi hai bên ký kết. Song đối với hợp đồng gia công xuất khẩu thì thời điểm hợp đồng có hiệu lực là thời điểm sau khi thông qua một số thủ tục bắt buộc (nhận được giấy phép nhập khẩu… )

2.11. Những điều khoản khác

Ngoài ra, trong hợp đồng gia công cho nước ngoài còn có những điều khoản khác để phục vụ cho quá trình thực hiện hợp đồng (ví dụ như điều khoản bảo vệ máy móc thiết bị của bên nhận gia công trong trường hợp thuê của bên đặt gia công theo hợp đồng leasing… ). Những điều khoản này có thể quy định. Hoặc không quy định tuỳ theo từng hợp đồng cụ thể và không phải là điều khoản bắt buộc.

Tải về mẫu hợp đồng gia công xuất khẩu hàng may mặc TẠI ĐÂY.

Xem thêm

Cách xác định tỷ giá đối với doanh thu hàng xuất khẩu

Quy định và thủ tục hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng xuất khẩu

Tải về mẫu file Excel tính giá thành tại đơn vị nhận gia công

Cách chuẩn bị hồ sơ, thủ tục giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần

Xuất khẩu hàng hóa và những hình thức xuất khẩu hàng hóa



Exit mobile version