Bạn đã nắm rõ quy định về kê khai thuế GTGT: đối tượng kê khai thuế GTGT theo tháng hay quý, cách kê khai & nộp tờ khai thuế GTGT theo quý, theo tháng…? Kế toán ALA Việt Nam sẽ giúp bạn giải đáp chi tiết tại bài dưới đây!
Nội dung chính:
- I. Căn cứ pháp lý
- II. Xác định kỳ kê khai thuế GTGT theo tháng hay quý
- 1. Đối tượng kê khai thuế GTGT theo quý
- 2. Đối tượng kê khai thuế GTGT theo tháng
- 3. Một số trường hợp lưu ý khi kê khai thuế GTGT
- III. Quy định kỳ hạn kê khai thuế GTGT theo tháng hoặc theo quý
- IV. Các câu hỏi thường gặp khi kê khai thuế GTGT
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Nghị định 126/2020/NĐ-CP;
- Luật Quản lý số 38/2019/QH14.
II. XÁC ĐỊNH KỲ KÊ KHAI THUẾ GTGT THEO THÁNG HAY QUÝ
Doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp tờ khai thuế GTGT hằng kỳ để báo cáo cơ quan quản lý về nghĩa vụ thuế GTGT. Có 2 kỳ kê khai thuế GTGT: kỳ kê khai thuế theo tháng và theo quý. Vậy đối tượng nào cần thực hiện kê khai thuế GTGT theo tháng, đối tượng nào được kê khai thuế GTGT theo quý? Doanh nghiệp không phát sinh hoạt động mua bán có cần nộp tờ khai…? Chi tiết được quy định như dưới đây:
1. Đối tượng kê khai thuế GTGT theo quý
Theo Điều 9, Thông tư 126/2020/NĐ-CP, người nộp thuế thực hiện kê khai thuế GTGT theo quý nếu tổng doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ trên các tờ khai thuế GTGT của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống.
➧ Nếu đơn vị đủ điều kiện kê khai thuế theo quý thì đơn vị có thể được lựa chọn kê khai thuế theo tháng hoặc theo quý từ năm tiếp theo của năm đó. Nếu muốn chuyển đổi kỳ kê khai từ tháng sang quý thì công ty gửi Phụ lục I theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP đến cơ quan quản lý trực tiếp chậm nhất ngày 31/01 của năm tiếp theo;
Ví dụ: Năm 2021, công ty cổ phần Văn Phòng Phẩm Tập Nhân thực hiện kê khai thuế theo tháng. Doanh thu bán hàng hóa năm 2021 là 49 tỷ đồng. Theo đó, từ năm 2022, công ty thuộc đối tượng có thể kê khai thuế GTGT theo quý thực hiện gửi Phụ lục I theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP trước ngày 31/01/2022.
➧ Nếu đơn vị phát hiện không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì đơn vị phải thực hiện như sau:
● Chuyển sang kê khai thuế theo tháng từ tháng đầu tiên phát hiện;
● Nộp bản xác định số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số đã kê khai theo quý được quy định theo Phụ lục I Nghị định 126/2020/NĐ-CP xác định tiền thuế GTGT, nộp thuế tăng thêm nếu có cùng tiền chậm nộp;
● Không phải nộp lại hồ sơ khai thuế theo tháng của các quý trước đó.
2. Đối tượng kê khai thuế GTGT theo tháng
Theo Điều 8, Thông tư 126/2020/NĐ-CP, khai thuế giá trị gia tăng theo tháng áp dụng đối với đơn vị có tổng doanh thu trên các tờ khai thuế GTGT của năm trước liền kề từ bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ trên 50 tỷ đồng.
Ví dụ: Năm 2020, công ty TNHH Xây Dựng Và Thương Mại TV kê khai thuế theo tháng có doanh thu từ bán hàng hóa dịch vụ cả năm 2020 là 52 tỷ đồng. Như vậy, công ty thuộc đối tượng kê khai thuế GTGT theo tháng.
3. Một số trường hợp lưu ý khi kê khai thuế GTGT
➧ Đối với doanh nghiệp mới thành lập:
Đơn vị mới thành lập sẽ được lựa chọn khai thuế GTGT theo quý. Sau khi hoạt động đủ 12 tháng, đơn vị căn cứ vào doanh thu của năm trước liền kề (năm dương lịch đủ 12 tháng đầu tiên) để xác định kỳ kê khai theo tháng hoặc quý.
Ví dụ: Công ty TNHH Du Lịch Đại Phát thành lập ngày 27/09/2021.
– Năm 2021 là năm bắt đầu thành lập, công ty có thể lựa chọn phương thức kê khai thuế GTGT theo quý hoặc tháng;
– Năm 2021 công ty chưa hoạt động đủ 12 tháng nên năm 2022 công ty vẫn có thể lựa chọn thực hiện kê khai theo quý hoặc tháng;
– Năm 2022, doanh thu công ty đạt 52 tỷ đồng thì sang năm 2023 công ty phải thực hiện kê khai thuế GTGT theo tháng.
➧ Công ty giai đoạn mới thành lập hoặc các công ty đã hoạt động nhưng không phát sinh hóa đơn bán ra, mua vào có cần kê khai thuế GTGT không?
Theo Điểm c, Khoản 1, Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định:
“c) Đối với loại thuế khai theo tháng, quý, tạm tính theo quý hoặc năm, nếu trong kỳ tính thuế không phát sinh nghĩa vụ thuế hoặc người nộp thuế đang thuộc diện được hưởng ưu đãi, miễn giảm thuế thì người nộp thuế vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế theo đúng thời hạn quy định, trừ trường hợp đã chấm dứt hoạt động kinh doanh và trường hợp tạm ngừng kinh doanh theo hướng dẫn tại Điểm đ, Khoản 1, Điều này và các trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế theo hướng dẫn tại Điều 16, Điều 17, Điều 18 Thông tư này.”
Theo đó, các công ty không phát sinh doanh thu, không có hóa đơn mua vào vẫn cần nộp tờ khai thuế GTGT.
➧ Đối với kỳ kê khai của chi nhánh:
● Đối với đơn vị thực hiện khai thuế tập trung cho địa điểm kinh doanh, đơn vị phụ thuộc tại trụ sở chính, doanh thu để xác định nộp thuế theo tháng hoặc quý cần tính thêm cả doanh thu của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh.
Ví dụ: Công ty TNHH Công Nghệ AA kê khai thuế GTGT theo quý. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, công ty có 3 chi nhánh hạch toán phụ thuộc và 1 địa điểm kinh doanh. Năm 2021, doanh thu của công ty là 45 tỷ đồng, doanh thu của 3 chi nhánh và 1 địa điểm kinh doanh là 7 tỷ đồng. Năm 2022, công ty phải chuyển sang kê khai theo tháng do tổng doanh thu năm 2021 của công ty và các chi nhánh phụ thuộc, địa điểm kinh doanh bằng 50 tỷ đồng.
● Đối với đơn vị có chi nhánh phụ thuộc thực hiện kê khai độc lập, doanh thu để xác định kỳ kê khai thuế GTGT theo tháng hoặc quý của đơn vị không bao gồm doanh thu của chi nhánh phụ thuộc kê khai độc lập. Chi nhánh kê khai độc lập tự xác định điều kiện kê khai thuế GTGT theo tháng hoặc quý dựa theo doanh thu trên tờ khai thuế GTGT đã nộp.
Ví dụ: Công ty TNHH tư vấn AP có trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh và 1 chi nhánh tại TP Hà Nội hạch toán phụ thuộc. Năm 2022, công ty và chi nhánh đều thực hiện kê khai thuế GTGT với cơ quan thuế quản lý theo quý . Hết năm, xác định doanh thu của trụ sở là 65 tỷ, chi nhánh Hà Nội là 14 tỷ. Sang năm 2023, trụ sở công ty phải chuyển kỳ kê khai thuế GTGT theo tháng, chi nhánh vẫn thực hiện kê khai GTGT theo quý.
➧ Đối với cơ sở kinh doanh tạm ngưng hoạt động:
Trước khi tạm ngừng kinh doanh, đơn vị phải nộp đủ tờ khai thuế GTGT tháng/quý. Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, đơn vị không phát sinh nghĩa vụ thuế GTGT thì không phải nộp tờ khai thuế GTGT của thời gian tạm ngừng kinh doanh.
Trường hợp đơn vị tạm ngừng kinh doanh không trọn tháng/quý thì vẫn phải nộp tờ khai thuế GTGT theo tháng/quý đó. Sau khi tạm ngừng kinh doanh, đơn vị kê khai thuế GTGT theo kỳ của kỳ trước khi tạm ngừng.
Ví dụ 1: Công ty TNHH Tư Vấn Kế Toán VH kê khai thuế GTGT theo quý. Ngày 29/06/2021, công ty tạm ngừng kinh doanh 1 năm. Do quý 2 năm 2021, công ty tạm ngừng không trọn quý nên công ty vẫn phải nộp tờ khai thuế GTGT quý 2 năm 2021.
Ví dụ 2: Công ty TNHH AL kê khai thuế GTGT theo tháng. Ngày 01/04/2021, công ty tạm ngừng kinh doanh 45 ngày từ 01/04/2021 đến 15/05/2021. Do tháng 4 năm 2021, công ty tạm ngừng trọn tháng nên công ty không phải nộp tờ khai thuế GTGT tháng 4. Tháng 5 năm 2021 công ty hoạt động lại từ ngày 16/05/2021 nên phải kê khai thuế GTGT theo tháng và phải nộp tờ khai thuế GTGT tháng 5/2021.
III. QUY ĐỊNH KỲ HẠN KÊ KHAI THUẾ GTGT THEO THÁNG HOẶC THEO QUÝ
Theo Khoản 1, Điều 44 Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14:
● Đối với kỳ kê khai thuế GTGT theo tháng, đơn vị nộp tờ khai chậm nhất ngày 20 tháng tiếp theo tháng kê khai.
Ví dụ: Công ty TNHH C thành lập ngày 31/03/2020. Công ty chọn kỳ kê khai thuế GTGT theo tháng. Chậm nhất ngày 20/04/2020, công ty phải nộp tờ khai thuế GTGT và nộp thuế GTGT (nếu phát sinh) tháng 3 năm 2020.
● Đối với kỳ kê khai thuế GTGT theo quý, đơn vị nộp tờ khai chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của quý tiếp theo quý kê khai.
Ví dụ: Công ty cổ phần A thành lập ngày 28/09/2021. Công ty chọn kê khai thuế GTGT theo quý. Chậm nhất ngày 31/10/2021 công ty phải nộp tờ khai thuế GTGT và nộp thuế GTGT (nếu phát sinh) quý 3 năm 2021.
MỌI THẮC MẮC LIÊN QUAN ĐẾN KẾ TOÁN THUẾ XIN LIÊN HỆ HOTLINE: 0356828688 – 0911298688 ĐỂ ĐƯỢC HỖ TRỢ TƯ VẤN. NGOÀI RA Kế toán ALA Việt Nam CÒN ĐANG HỖ TRỢ CÁC DOANH NGHIỆP MỚI THÀNH LẬP VỀ TOKEN, LÀM LẠI SỔ SÁCH,… VỚI GIÁ CẢ PHẢI CHĂNG