Vấn đề có được xuất hóa đơn lẻ khi bị cưỡng chế hóa đơn (ngừng sử dụng hóa đơn) là vướng mắc của không ít doanh nghiệp. Cùng xem câu trả lời tại bài viết sau đây.
- 1. Cưỡng chế hóa đơn là gì? Các trường hợp cưỡng chế hóa đơn
- 2. Có được xuất hóa đơn lẻ khi bị cưỡng chế hóa đơn?
- 3. Cách tra cứu doanh nghiệp bị cưỡng chế hóa đơn
1. Cưỡng chế hóa đơn là gì? Các trường hợp cưỡng chế hóa đơn
Cưỡng chế hóa đơn hay chính xác là cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn là một trong những biện pháp cưỡng chế thuế của cơ quan thuế đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư số 215/2013/TT-BTC và khoản 1, 2, 3, 4 Điều 124 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, người nộp thuế có thể bị cưỡng chế hóa đơn khi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Nợ thuế, tiền chậm nộp thuế > 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, hết thời hạn gia hạn nộp thuế.
– Còn nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản.
– Không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đúng thời hạn (trừ trường hợp hoãn/tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt).
2. Có được xuất hóa đơn lẻ khi bị cưỡng chế hóa đơn?
Trường hợp đang trong thời gian bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn, doanh nghiệp có thể đề nghị sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh. Cụ thể,
Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh được cấp cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh bị cơ quan thuế cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.
Đồng thời, điểm d khoản 4 Điều 34 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định:
d) Trường hợp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn mà người nộp thuế có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn để có nguồn thanh toán tiền lương công nhân, thanh toán các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục thì cơ quan thuế tiếp tục cho người nộp thuế sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh với điều kiện người nộp thuế phải nộp ngay ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng vào ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Công văn 5113/TCT-CS năm 2021, Công văn 37935/CTHN-TTHT năm 2023 cũng hướng dẫn về việc sử dụng hóa đơn trong thời gian bị cưỡng chế như sau:
– Trường hợp doanh nghiệp bị cưỡng chế hóa đơn cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho nhiều khách hàng khác nhau thì khi đề nghị cấp hóa đơn theo từng lần phát sinh: Được đề nghị một lần sử dụng nhiều hóa đơn và phải nộp đủ số thuế phải nộp theo quy định/nộp 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng.
– Doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn thì được sử dụng hóa đơn điện tử cấp theo từng lần phát sinh.
Như vậy, về cơ bản, khi doanh nghiệp bị cưỡng chế hóa đơn thì vẫn có thể sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh để có nguồn thanh toán tiền lương công nhân và các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục.
Xem thêm: Thủ tục đề nghị cấp hóa đơn theo từng lần phát sinh
Lưu ý, trường hợp sử dụng hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế hóa đơn (trừ trường hợp được cơ quan thuế cho phép) sẽ bị xử phạt từ 20 – 50 triệu đồng và buộc phải hủy hóa đơn đã sử dụng (theo Điều 28 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP).
3. Cách tra cứu doanh nghiệp bị cưỡng chế hóa đơn
Để tra cứu doanh nghiệp bị cưỡng chế hóa đơn, bạn đọc thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Truy cập vào website Tra cứu thông tin hóa đơn của Tổng cục Thuế tại địa chỉ: https://tracuuhoadon.gdt.gov.vn/dnrrvp.html
Bước 2: Chọn Cơ quan thuế Tỉnh/TP của doanh nghiệp cần tra cứu
Bước 3: Chọn Cơ quan thuế quản lý trực tiếp của doanh nghiệp cần tra cứu
Bước 4: Nhập mã số thuế của doanh nghiệp đó
Bước 5: Nhập mã xác thực (ký tự ở ô phía trên), ấn Tìm kiếm
Trên đây là giải đáp về vấn đề xuất hóa đơn lẻ khi bị cưỡng chế hóa đơn, hi vọng bài viết đã cung cấp được thông tin nhất định tới bạn đọc. MỌI THẮC MẮC LIÊN QUAN ĐẾN KẾ TOÁN THUẾ XIN LIÊN HỆ HOTLINE: 0356828688 – 0911298688 ĐỂ ĐƯỢC HỖ TRỢ TƯ VẤN. NGOÀI RA Kế toán ALA Việt Nam CÒN ĐANG HỖ TRỢ CÁC DOANH NGHIỆP MỚI THÀNH LẬP VỀ TOKEN, LÀM LẠI SỔ SÁCH,… VỚI GIÁ CẢ PHẢI CHĂNG.