Site icon Kế Toán Ala

Cách tính thuế nhà thầu


Thuế nhà thầu là loại thuế mà Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài có nghĩa vụ phải nộp khi sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh từ cung ứng dịch vụ hay dịch vụ gắn với hàng hóa tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ. Theo đó, bài viết tổng hợp trình bày cách tính thuế nhà thầu mà bên Việt Nam nộp thay cho nhà thầu.

Hình 1: Cách tính thuế nhà thầu

1. Thuế GTGT

1.1. Xác định doanh thu tính thuế GTGT

Doanh thu tính thuế GTGT là toàn bộ doanh thu do cung cấp dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT mà Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nhận được, chưa trừ các khoản thuế phải nộp, kể cả các khoản chi phí do Bên Việt Nam trả thay Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài (nếu có).

Trường hợp giá trị hợp đồng không bao gồm thuế GTGT phải nộp, thì doanh thu tính thuế GTGT phải được quy đổi thành doanh thu có thuế GTGT:

Doanh thu tính thuế GTGT = Doanh thu chưa bao gồm thuế GTGT
1 – Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu

Ví dụ 1:

–  Nhà thầu nước ngoài A cung cấp cho Bên Việt Nam dịch vụ giám sát khối lượng xây dựng nhà máy xi măng Z, giá hợp đồng chưa bao gồm thuế GTGT (nhưng đã bao gồm thuế TNDN) là 300.000 USD.

– Bên Việt Nam thu xếp chỗ ở và làm việc cho nhân viên quản lý của Nhà thầu nước ngoài A với giá trị chưa bao gồm thuế GTGT là 40.000 USD.

– Theo Hợp đồng, Bên Việt Nam chịu trách nhiệm trả thuế GTGT thay cho Nhà thầu nước ngoài.

Việc xác định doanh thu tính thuế GTGT của Nhà thầu nước ngoài A như sau:

Doanh thu tính thuế GTGT = 300.000 + 40.000 = 357.894,73 (USD)
(1 – 5%)

 

Trường hợp Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với Nhà thầu phụ Việt Nam hoặc Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện nộp thuế theo phương pháp kê khai hoặc phương pháp hỗn hợp để giao bớt một phần giá trị theo quy định hợp đồng nhà thầu, thì doanh thu tính thuế GTGT không bao gồm giá trị do Nhà thầu phụ Việt Nam hoặc Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện.

Nếu Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với các nhà cung cấp tại Việt Nam để mua hàng hóa, dịch vụ không thuộc hạng mục, công việc của hợp đồng nhà thầu thì không được trừ giá trị này khi xác định doanh thu tính thuế GTGT.

Trường hợp Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện nộp thuế theo phương pháp trực tiếp thì Bên Việt Nam khai nộp thuế GTGT thay cho Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài. Nhà thầu phụ nước ngoài không phải khai nộp thuế GTGT trên phần giá trị công việc mà Bên Việt Nam đã khai nộp thay.

Trường hợp cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, doanh thu tính thuế GTGT là toàn bộ tiền cho thuê. Nếu doanh thu bao gồm các chi phí do bên cho thuê trực tiếp chi trả như bảo hiểm, bảo dưỡng, đăng kiểm, người điều khiển và chi phí vận chuyển từ nước ngoài đến Việt Nam, thì doanh thu tính thuế GTGT không bao gồm các khoản chi phí này nếu có chứng từ thực tế chứng minh.

Đối với dịch vụ giao nhận, kho vận quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài (không phân biệt người gửi hay người nhận trả tiền dịch vụ), doanh thu tính thuế GTGT là toàn bộ doanh thu không bao gồm cước vận chuyển quốc tế phải trả cho hãng vận chuyển (hàng không, đường biển).

Đối với dịch vụ chuyển phát quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài (không phân biệt người gửi hay người nhận trả tiền dịch vụ), doanh thu tính thuế GTGT là toàn bộ doanh thu Nhà thầu nước ngoài nhận được.

1.2. Tỷ lệ % thuế GTGT trên doanh thu

STT Ngành kinh doanh Tỷ lệ % để tính thuế GTGT
1 Dịch vụ, cho thuê máy móc thiết bị, bảo hiểm; xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị 5
2 Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa; xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị 3
3 Hoạt động kinh doanh khác 2

Đối với các hợp đồng nhà thầu gồm nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau hoặc một phần giá trị hợp đồng không thuộc diện chịu thuế GTGT, thì căn cứ vào doanh thu tính thuế GTGT đối với từng hoạt động để xác định tỷ lệ % thuế GTGT. Trường hợp không tách riêng được giá trị từng hoạt động thì áp dụng tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu cao nhất cho toàn bộ giá trị hợp đồng.

Riêng đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị đi kèm:

  • Nếu tách riêng được giá trị thì không phải nộp thuế GTGT trên giá trị nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị; đối với từng phần giá trị còn lại thì áp dụng tỷ lệ % tương ứng với hoạt động đó.
  • Nếu không tách riêng được giá trị thì áp dụng tỷ lệ % để tính thuế GTGT là 3% trên toàn bộ giá trị hợp đồng (bao gồm cả giá trị nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị nhập khẩu).
  • Nếu Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với Nhà thầu phụ để giao lại toàn bộ các phần giá trị công việc có bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, và chỉ thực hiện phần giá trị dịch vụ còn lại thì áp dụng tỷ lệ % để tính thuế GTGT là 5% đối với ngành nghề dịch vụ.

Đối với hợp đồng cung cấp máy móc thiết bị có kèm theo các dịch vụ thực hiện tại Việt Nam

  • Nếu tách riêng được giá trị máy móc thiết bị và giá trị dịch vụ thì áp dụng tỷ lệ % để tính thuế GTGT của từng phần giá trị hợp đồng.
  • Nếu không tách riêng được giá trị máy móc thiết bị và giá trị dịch vụ thì áp dụng tỷ lệ % để tính thuế GTGT là 3%.

Ví dụ 2: Nhà thầu nước ngoài H của Hàn Quốc ký hợp đồng cung cấp dây chuyền máy móc, thiết bị kèm theo dịch vụ lắp đặt, vận hành, chạy thử cho doanh nghiệp B ở Việt Nam với giá trị là 10.000.000 USD.

Tại hợp đồng không tách riêng được phần giá trị máy móc thiết bị và giá trị dịch vụ lắp đặt, vận hành chạy thử thì tỷ lệ % để tính thuế GTGT là 3%.

1.3. Số thuế GTGT phải nộp

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuếgiá trị gia tăng x Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu

Lưu ý đối với hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác mỏ dầu, khí đốt:

  • Nếu Nhà thầu không đáp ứng được một trong các điều kiện của phương pháp kê khai thì Bên Việt Nam có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay thuế
  • GTGT trước khi thanh toán. Số thuế nộp thay tính bằng theo công thức sau:
Số thuế nộp thay = Tổng số tiền thanh toán chưa bao gồm thuế GTGT X Mức thuế suất thuế GTGT

 

c.Nếu Nhà thầu đáp ứng được ba điều kiện của phương pháp kê khai hoặc đáp ứng điều kiện của phương pháp hỗn hợp:

  • Trong thời gian Nhà thầu, Nhà thầu phụ chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế để khai và nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, nếu Bên Việt Nam thanh toán tiền thì có trách nhiệm khấu trừ nộp thay thuế GTGT trước khi thanh toán. Số thuế nộp thay tính bằng tổng số tiền thanh toán chưa bao gồm thuế GTGT nhân (x) với mức thuế suất thuế GTGT quy định. Nhà thầu không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào phát sinh trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế.
  • Khi Nhà thầu, Nhà thầu phụ được cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế thì chuyển hóa đơn, chứng từ phát sinh trong kỳ khai thuế GTGT cho Bên Việt Nam để Bên Việt Nam khai khấu trừ, nộp thay.

2. Thuế TNDN

2.2. Doanh thu tính thuế TNDN (gọi tắt là DTTT TNDN)

Doanh thu tính thuế TNDN là toàn bộ doanh thu không bao gồm thuế GTGT mà Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nhận được, chưa trừ các khoản thuế phải nộp. Doanh thu tính thuế TNDN được tính bao gồm cả các khoản chi phí do Bên Việt Nam trả thay Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài (nếu có).

Trường hợp theo hợp đồng, doanh thu Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nhận được không bao gồm thuế TNDN phải nộp thì doanh thu tính thuế TNDN được xác định:

Doanh thu tính thuế TNDN = Doanh thu không bao gồm thuế TNDN
1 – Tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế

 

Ví dụ 3: Nhà thầu nước ngoài A cung cấp cho Bên Việt Nam dịch vụ giám sát khối lượng xây dựng nhà máy xi măng Z, giá hợp đồng chưa bao gồm thuế GTGT, thuế TNDN là 285.000 USD.

  • Bên Việt Nam thu xếp chỗ ở và làm việc cho nhân viên quản lý của Nhà thầu nước ngoài với giá trị là 38.000 USD (chưa bao gồm thuế GTGT, TNDN).
  • Theo Hợp đồng, bên Việt Nam chịu trách nhiệm trả thuế TNDN, thuế GTGT thay cho nhà thầu nước ngoài.

Việc xác định doanh thu tính thuế TNDN nhà thầu nước ngoài như sau:

Doanh thu tính thuế TNDN = 285.000 + 38.000 = 340.000 (USD)
(1 – 5%)

 

Trường hợp Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với Nhà thầu phụ Việt Nam hoặc Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện nộp thuế theo phương pháp kê khai hoặc phương pháp hỗn hợp để giao bớt một phần giá trị theo quy định hợp đồng nhà thầu, thì doanh thu tính thuế TNDN không bao gồm giá trị do Nhà thầu phụ Việt Nam hoặc Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện.

Nếu Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với các nhà cung cấp tại Việt Nam để mua hàng hóa, dịch vụ không thuộc hạng mục, công việc của hợp đồng nhà thầu thì không được trừ giá trị này khi xác định doanh thu tính thuế TNDN.

Trường hợp Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện nộp thuế theo phương pháp trực tiếp thì Bên Việt Nam khai nộp thuế TNDN thay cho Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước. Nhà thầu phụ nước ngoài không phải khai nộp thuế TNDN trên phần giá trị công việc mà Bên Việt Nam đã khai nộp thay.

Trường hợp cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, doanh thu tính thuế GTGT là toàn bộ tiền cho thuê. Nếu doanh thu bao gồm các chi phí do bên cho thuê trực tiếp chi trả như bảo hiểm, bảo dưỡng, đăng kiểm, người điều khiển và chi phí vận chuyển từ nước ngoài đến Việt Nam, thì doanh thu tính thuế TNDN không bao gồm các khoản chi phí này nếu có chứng từ thực tế chứng minh

Đối với hãng hàng không nước ngoài, Doanh thu tính thuế TNDN là doanh thu bán vé hành khách, vận đơn hàng không và thu khác (trừ những khoản thu hộ theo quy định của pháp luật) tại Việt Nam cho việc vận chuyển được thực hiện trên các chuyến bay.

 Đối với hãng vận tải biển nước ngoài, Doanh thu tính thuế TNDN là toàn bộ tiền cước từ vận chuyển hành khách, hàng hóa và phụ thu khác được hưởng từ cảng xếp hàng của Việt Nam đến cảng cuối cùng bốc dỡ (bao gồm cả tiền cước của các lô hàng phải chuyển tải qua các cảng trung gian) và/hoặc giữa các cảng Việt Nam, không bao gồm tiền cước đã tính thuế TNDN tại cảng Việt Nam đối với chủ tàu nước ngoài và tiền cước trả cho doanh nghiệp vận tải Việt Nam do đã tham gia vận chuyển hàng từ cảng Việt Nam đến một cảng trung gian.

Đối với dịch vụ giao nhận, kho vận quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài (không phân biệt người gửi hay người nhận trả tiền dịch vụ), doanh thu tính thuế TNDN là toàn bộ doanh thu không bao gồm cước vận chuyển quốc tế phải trả cho hãng vận chuyển (hàng không, đường biển).

 Đối với dịch vụ chuyển phát quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài (không phân biệt người gửi hay người nhận trả tiền dịch vụ), doanh thu tính thuế TNDN là toàn bộ doanh thu Nhà thầu nước ngoài nhận được.

Đối với tái bảo hiểm

  • Nhượng tái bảo hiểm ra nước ngoài, doanh thu tính thuế TNDN là số tiền phí nhượng tái bảo hiểm ra nước ngoài (bao gồm hoa hồng tái bảo hiểm và chi phí bồi hoàn cho khách hàng theo thỏa thuận).
  • Nhận tái bảo hiểm từ nước ngoài, doanh thu tính thuế TNDN là hoa hồng nhượng tái bảo hiểm.

Đối với chuyển nhượng chứng khoán, chứng chỉ tiền gửi, doanh thu tính thuế TNDN là tổng doanh thu bán tại thời điểm chuyển nhượng.

Đối với giao dịch hoán đổi lãi suất, Doanh thu tính thuế TNDN là phần chênh lệch giữa lãi phải thu và lãi phải trả trong 1 năm dương lịch.

Đối với tín phiếu kho bạc, Doanh thu tính thuế TNDN = (Mệnh giá tín phiếu kho bạc – Bình quân gia quyền giá mua số tín phiếu kho bạc mà nhà đầu tư nắm giữ vào ngày đáo hạn) x Số lượng tín phiếu kho bạc mà nhà đầu tư nắm giữ vào ngày đáo hạn

2.2. Tỷ lệ % thuế TNDN

STT  Ngành kinh doanh Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế
1 Thương mại: phân phối, cung cấp hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị; phân phối, cung cấp hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị gắn với dịch vụ tại Việt Nam {bao gồm cả cung cấp hàng hóa theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ (trừ trường hợp gia công hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài); cung cấp hàng hóa theo điều kiện giao hàng của Các điều khoản thương mại quốc tế – Incoterms} 1 
2 Dịch vụ, cho thuê máy móc thiết bị, bảo hiểm, thuê giàn khoan 5
Riêng:– Dịch vụ quản lý nhà hàng, khách sạn, casino; 10
– Dịch vụ tài chính phái sinh 2
3 Cho thuê tàu bay, động cơ tàu bay, phụ tùng tàu bay, tàu biển 2
4 Xây dựng, lắp đặt có bao thầu hoặc không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị 2
5 Hoạt động sản xuất, kinh doanh khác, vận chuyển (bao gồm vận chuyển đường biển, vận chuyển hàng không) 2
6 Chuyển nhượng chứng khoán, chứng chỉ tiền gửi, tái bảo hiểm ra nước ngoài, hoa hồng nhượng tái bảo hiểm 0,1
7 Lãi tiền vay 5
8 Thu nhập bản quyền 10

Đối với các hợp đồng nhà thầu gồm nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau, thì căn cứ vào doanh thu chịu thuế TNDN đối với từng hoạt động để xác định số thuế TNDN phải nộp. Trường hợp không tách riêng được giá trị từng hoạt động thì áp dụng tỷ lệ % thuế TNDN đối với ngành nghề có tỷ lệ thuế TNDN cao nhất cho toàn bộ giá trị hợp đồng.

Riêng đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị đi kèm:

  • Nếu tách riêng được giá trị tách riêng giá trị thì từng phần giá trị công việc theo hợp đồng được áp dụng tỷ lệ % thuế TNDN trên doanh thu tương ứng với hoạt động đó.
  • Nếu không tách riêng được giá trị thì tỷ lệ % thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế là 2% trên toàn bộ giá trị hợp đồng.
  • Nếu Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với Nhà thầu phụ để giao lại toàn bộ các phần giá trị công việc có bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, và chỉ thực hiện phần giá trị dịch vụ còn lại thì áp dụng tỷ lệ % thuế TNDN là 5% đối với ngành nghề dịch vụ.

Đối với hợp đồng cung cấp máy móc thiết bị có kèm theo các dịch vụ thực hiện tại Việt Nam

  • Nếu tách riêng được giá trị máy móc thiết bị và giá trị dịch vụ thì tính thuế theo tỷ lệ thuế riêng của từng phần giá trị hợp đồng.
  • Nếu không tách riêng được giá trị máy móc thiết bị và giá trị dịch vụ thì áp dụng tỷ lệ thuế TNDN trên doanh thu tính thuế là 2%.

Đối với tiền bồi thường từ bên đối tác vi phạm hợp đồng lớn hơn giá trị thiệt hại, có thu nhập chịu thuế: Nhà thầu được lựa chọn khai nộp thuế TNDN theo tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế hoặc trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí với thuế suất là thuế suất phổ thông

2.3. Số thuế TNDN phải nộp

Số thuế TNDN phải nộp = Doanh thutính thuế TNDN x Tỷ lệ thuế TNDNtính trên doanh thu tính thuế

 

3. Một số trường hợp tính thuế kèm ví dụ

3.1. Trường hợp giá trị hợp đồng chưa gồm thuế GTGT, TNDN (NET)

Trình tự tính toán theo công thức như sau

Doanh thu tính thuế TNDN = Giá trị hợp đồng
1 – Tỷ lệ thuế TNDN

Thuế TNDN = Doanh thu tính thuế TNDN x Tỷ lệ thuế TNDN

Doanh thu tính thuế GTGT = Doanh thu tính thuế TNDN
1 – Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu

Thuế GTGT = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu

Ví dụ 4: Nhà thầu nước ngoài A ký hợp đồng cung cấp dịch vụ xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu cho doanh nghiệp Việt Nam B, giá trị hợp đồng là 100.000.000 đồng. Tỷ lệ % tính thuế GTGT là 3%, tỷ lệ % tính thuế TNDN đối với dịch vụ xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu là 2%. Giá trị hợp đồng tính theo giá Net

Doanh thu tính thuế TNDN = 100.000.000 = 102.040.816 (đồng)
(1 – 2%)

Thuế TNDN = 102.040.816 x 2% = 2.040.816 đồng

Doanh thu tính thuế GTGT = 102.040.816 = 105.196.718 (đồng)
(1 – 3%)

Thuế GTGT = 105.196.718 x 3% = 3.155.902 (đồng)

3.2. Trường hợp giá trị hợp đồng bao gồm thuế GTGT, TNDN (GROSS)

Trình tự tính toán theo công thức như sau

Thuế GTGT = Giá trị hợp đồng x Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu

Thuế TNDN = (Giá trị hợp đồng – Thuế GTGT) x Tỷ lệ thuế TNDN

Ví dụ 5: Vẫn ví dụ 4 trên nhưng giá trị hợp đồng tính theo giá Gross.

Thuế GTGT = 100.000.000 x 3% = 3.000.000 (đồng)

Thuế TNDN = (100.000.000 – 3.000.000) x 2% = 1.940.000 (đồng)

3.3. Trường hợp giá hợp đồng chưa gồm thuế GTGT, đã bao gồm thuế TNDN

Trình tự tính toán theo công thức như sau

Thuế TNDN = Giá trị hợp đồng x Tỷ lệ thuế TNDN

Doanh thu tính thuế GTGT = Giá trị hợp đồng
1 – Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu

Thuế GTGT = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu

Ví dụ 6: Vẫn ví dụ 4 trên nhưng giá trị hợp đồng là chưa gồm thuế GTGT, đã bao gồm thuế TNDN:

Thuế TNDN = 100.000.000 x 2% = 2.000.000 đồng

Doanh thu tính thuế GTGT = 100.000.000 = 103.092.784 (đồng)
(1 – 3%)

Thuế GTGT = 103.092.784  x  3% = 3.092.784 đồng.

Trên đây là cách tính thuế nhà thầu đối với nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài. MISA AMIS hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn hiểu các vấn đề liên quan đến cách tính thuế nhà thầu và áp dụng được vào trong thực tế làm việc thành công!

Tác giả: NLTH



Exit mobile version